Nguy cơ hạt nhân sau động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với người dân. Bắt đầu từ hôm 14/3, ở một số nước thuộc khu vực châu Á – TBD như Singapore, Phillipines và Việt Nam lan truyền một tin đồn qua các mạng cá nhân về việc xuất hiện mưa axit ở các nước này do ảnh hưởng của sự cố hạt nhân Nhật Bản. Tuy nhiên, tin đồn đã nhanh chóng bị các nguồn thông tin chính thống bác bỏ.
Để tránh những tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho dư luận, dưới đây, xin chuyển đến độc giả lời giải đáp của cho một số vấn đề đang được dư luận quan tâm. Thông tin do một nghiên cứu viên Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tư vấn.
1. Rò rỉ hạt nhân có thể gây ra mưa axit?
Mưa axit là hiện tượng mưa mà nước mưa có độ pH dưới 5,6. Đây là hậu quả của quá trình phát triển sản xuất con người tiêu thụ nhiều than đá, dầu mỏ và các nhiên liệu tự nhiên khác. Nguyên nhân hoàn toàn là từ phía con người, do quá trình hoạt động công nghiệp và sinh hoạt thải ra các khi gây hiệu ứng nhà kính như SO2 và NO2.
Trong thành phần các chất đốt tự nhiên như than đá và dầu mỏ có chứa một lượng lớn lưu huỳnh, còn trong không khí lại chứa nhiều nitơ. Quá trình đốt sản sinh ra các khí độc hại như: lưu huỳnh đioxit (SO2) và nitơ đioxit (NO2). Các khí này hòa tan với hơi nước trong không khí tạo thành các axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric(HNO3).
Khi trời mưa, các hạt axit này tan lẫn vào nước mưa, làm độ pH của nước mưa giảm. Nếu nước mưa có độ pH dưới 5,6 thì được gọi là mưa axit. Do có độ chua khá lớn, nước mưa có thể hoà tan được một số bụi kim loại và oxit kim loại có trong không khí như oxit chì,... làm cho nước mưa trở nên độc hơn nữa đối với cây cối, vật nuôi và con người.
Axit nitric HNO3 và H2SO4 chính là thành phần của mưa axit.
Rò rỉ hạt nhân chỉ gây ra rò rỉ phóng xạ, không thể sinh ra các khí như trên được. Vì vậy có thể kết luận chắc chắn rằng rò rỉ hạt nhân không thể gây ra mưa axit.
2. Bụi phóng xạ ở Nhật có thể đã bay sang Việt Nam và các nước châu Á khác?
Khoảng cách giữa vùng biển Đông và Nhật Bản là trên 3000km, gió bắc - nam có khả năng thổi tràn xuống vùng biển Đông xuất phát từ khối cao áp Siberia của Nga, hoàn toàn thổi qua lãnh thổ Trung Quốc chứ không qua Nhật Bản, vậy có thể kết luận chắc chắn rằng luận thuyết gió thổi bụi phóng xạ từ Nhật Bản xuống tận vùng biển Đông là hoàn toàn không thể xảy ra.
Hiện nay chính phủ 1 số nước Đông Nam Á xuất hiện tin đồn này như Singapore và Phillipines đều đã lên tiếng bác bỏ khả năng này.
Mô hình kiểu lò phản ứng ở nhà máy Fukushima I
3. Vỡ vỏ lò nhà máy điện hạt nhân có nghĩa là nhiên liệu hạt nhân chứa bên trong đó bị phát tán ra môi trường?
Cấu tạo của các lò phản ứng hạt nhân bao gồm thùng lò làm bằng thép không gỉ, bên trong chứa các thanh nhiên liệu urani, tiếp theo là thùng chứa nước làm mát và lớp bảo vệ bằng bê tông dày.
Hiện nay, vụ nổ tại lò phản ứng số 1 của nhà máy Fukushima I ngày 12/3 đã được IAEA và chính phủ Nhật Bản xác nhận nguyên nhân là do nổ khí hidro.
Do động đất làm mất điện và hư hại hệ thống cấp điện dự phòng khiến cho hệ thống bơm nước làm mát không thể hoạt động, dẫn đến nhiệt độ trong thùng nước bên ngoài lò phản ứng tăng cao, làm các khí bay hơi, hỗn hợp khí hidro và oxi gặp nhau ở nhiệt độ này sẽ gây nổ, đây là phản ứng hóa học phổ thông mà hầu như ai cũng biết.
Vụ nổ này gây sập mái và bê tông bảo vệ bên ngoài lò phản ứng, khiến nước bên trong rò rỉ ra ngoài.
Vì các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima I là loại lò BWR nên hệ thống nước này tiếp xúc trực tiếp với thùng lò chứa thanh nhiên liệu, dẫn đến bị nhiễm xạ. Mức độ phóng xạ đo được ở ngoại vi nhà máy đều xuất phát từ sự rò rỉ này. Còn thùng lò phản ứng và các thanh nhiên liệu urani chưa hề bị nóng chảy nên không thể rò rỉ ra ngoài.
Các nhà chức trách xác nhận đã và đang bơm nước biển vào bên trong để giảm nhiệt độ và áp suất bên trong thùng lò phản ứng. Hiện nay mức phóng xạ đã giảm dần.
4. Nổ lò phản ứng hạt nhân chỉ có 1 cấp độ, và được hiểu là toàn bộ các lớp bảo vệ bị phá vỡ?
Các tai nạn hạt nhân có rất nhiều mức độ và nguyên nhân khác nhau, nếu xảy ra nổ lò phản ứng hạt nhân thì đó được gọi là thảm họa hạt nhân, tiêu biểu là thảm họa Chernobyl, nếu thảm họa này xảy ra, sẽ có 1 đám bụi hạt nhân lớn xuất phát từ trên địa điểm xảy ra và phát tán ra khắp nơi. Có thể nói, nếu lò phản ứng hạt nhân bị phát nổ, chúng ta sẽ ghi nhận được thêm 1 quả bom nguyên tử nữa được kích hoạt trên thế giới sau 2 quả bom ở Hiroshima và Nagasaki, mà hậu quả thì lớn hơn nhiều.
Các lò phản ứng hạt nhân đều có cơ chế an toàn tự động phòng khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên, tuy nhiên thảm họa Chernobyl xảy ra là do các nhà khoa học đã rút hết các thanh an toàn tự động lên để nghiên cứu một số khả năng của lò phản ứng, sau đó khi áp suất và nhiệt độ tăng cao, các thanh an toàn điều khiển bằng tay bị kẹt, khiến cho lò phản ứng phát nổ, dẫn đến thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Sau thảm họa này, rất nhiều kinh nghiệm đã được rút ra để ngành công nghiệp hạt nhân có thể phát triển như hôm nay.
Vụ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima I sau vụ động đất ở Nhật Bản hôm 12/3 vừa rồi được đánh giá ở mức 4/7 xét theo tính nghiêm trọng. Như đã giải thích, thùng lò phản ứng vẫn an toàn, không hề xảy ra việc toàn bộ các lớp bảo vệ bị phá vỡ và nhiên liệu hạt nhân rò rỉ ra ngoài.
5. Nếu có sóng thần, tất cả các nước bên bờ Thái Bình Dương sẽ phải chịu ảnh hưởng phóng xạ?
Hiện tượng sóng thần xảy ra ở vùng tâm chấn là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại về người cho Nhật Bản đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên các ghi nhận địa chấn cho thấy vùng tâm chấn của thảm họa động đất vừa rồi nằm ở Đông Bắc Nhật Bản, trong khi nhà máy điện Fukushima I nằm ở bắc Tokyo. Nguyên nhân gây ra tai nạn ở nhà máy này là do dư chấn của động đất. Vì thế khó có nguy cơ sóng thần tràn vào nhấn chìm toàn bộ nhà máy này.
Thậm chí, nếu thực sự xảy ra điều này, nguy cơ rò rỉ phóng xạ sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
Như ta đã biết, các thanh nhiên liệu sau khi được sử dụng xong sẽ được đưa vào các bể nước làm nguội chờ tái sử dụng hoặc chôn cất. Hiện nay, các nhà chức trách Nhật đã và đang tiến hành bơm nước biển vào bên trong lò phản ứng số 1 và số 2 để làm nguội các thanh nhiên liệu, điều này giúp cho các thanh nhiên liệu không bị nóng chảy và ngăn chặn khả năng rò rỉ, khiến cho các thùng lò phản ứng trở thành các bể làm nguội.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nước biển thì các vật liệu được dùng để thiết kế tường lò, thùng thép và các ống dẫn trong lò phản ứng sẽ bị ăn mòn, do đó không thể sử dụng tiếp, điều này khiến lò phản ứng số 1 và số 2 của nhà máy Fukushima I coi như phải xây dựng lại từ đầu (giá thành cho mỗi lò được ước tính là 4-5 tỷ USD).
Nếu thực sự có sóng thần tràn vào, các nhà máy sẽ tự ngừng hoạt động, và các thanh nhiên liệu sẽ nằm an toàn ở nhiệt độ thấp khiến cho nguy cơ phát nổ là không thể xảy ra, càng không thể có nguy cơ các nước ở bên bờ Thái Bình Dương bị nhiễm phóng xạ.
6. Mức phóng xạ vượt quá giới hạn cho phép được coi là nhiễm phóng xạ nguy hiểm?
Theo thông tin nhận được từ Cơ quan an toàn hạt nhân của chính phủ Nhật, mức phóng xạ theo sau vụ nổ mới nhất đã vượt quá mức cho phép và đạt tới 965,5 micro sievert/1 giờ vào 7 giờ sáng 12/3; sau đó nhảy lên mức 8.217 micro sievert vào lúc 8h31’ sáng. Đây là mức cao hơn 8 lần so với mức 1.000 micro sievert mà con người có thể tiếp xúc một cách an toàn trong một năm.
Cho đến trưa 14/3, mức phóng xạ đo được 400 millisievert gần lò phản ứng số 3 và 100 milisievert gần lò số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Tức là khi vụ nổ xảy ra, mật độ phóng xạ tập trung dày đặc ở nhà máy, với liều lượng này sẽ gây nguy hiểm cho những ai ở trong phạm vi tiếp xúc, tức là các công nhân và nhân viên vận hành. Còn sau đó phóng xạ giảm dần, và nằm trong mức cho phép.
7. Bất kỳ lò phản ứng hạt nhân nào cũng không thể bảo đảm an toàn trong điều kiện động đất quá mạnh?
Khi tiến hành xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào, các nhà xây dựng đều phải tiến hành đo đạc địa chất, tính toán các nguy cơ xảy ra thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là công trình cần sự đảm bảo an toàn cao như lò phản ứng hạt nhân hay nhà máy điện nguyên tử.
Nhật Bản nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, tức là khe nứt của vỏ trái đất kéo dài từ Kamchatka xuống tận Indonesia. Nơi này thường xuyên xảy ra hoạt động nứt gãy của vỏ trái đất, gây ra các hiện tượng động đất và núi lửa phun. Vì thế khi tiến hành xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các nhà khoa học Nhật Bản đã tính toán rất kỹ lưỡng các phương thức chống lại nguy cơ thiên nhiên. Các nhà máy điện nguyên tử ở Nhật Bản sẽ dựa trên các thông tin địa chấn của địa phương để xậy dựng hệ thống an toàn cho nhà máy, ví dụ như nhà máy Fukushima I có thể chịu địa chấn lên đến 7,5 độ richter; hay các nhà máy ở Hàn Quốc là 6,5 độ richter.
Các nhà máy điện hạt nhân hiện nay có độ an toàn rất cao, sự cố đáng tiếc xảy ra ở nhà máy Fukushima I thực sự không phải do sơ suất của con người hay do tính an toàn thấp của nhà máy điện nguyên tử, mà hoàn toàn là do sức tàn phá đáng sợ và đột ngột của thiên tai.
Nguồn: VTC.vn
Mọi người xem đi nha .Tránh các tin đồn thất thiệt....