Một nữ SV hí hửng khoe áo của mình với dòng chữ “Yêu anh mấy núi cũng trèo – Mấy sông cũng lội, thấy anh nghèo thì thôi”.
Sử dụng những câu ca dao tục ngữ bị biến dạng, những câu danh ngôn, câu nói nổi tiếng bị cắt xén… đang là “mốt” của giới trẻ hiện nay.
Hiện diện trên áo…
Trào lưu mặc áo thun “slogan” thu hút bạn trẻ từ hơn hai năm nay. Những áo thun với những dòng chữ “Đẹp trai bẩm sinh”, “Tôi giàu tôi có quyền”…không còn xa lạ gì với mọi người. Cách đây khoảng hai tháng trở về trước, trên áo chỉ in những dòng chữ là các câu tự nói của các bạn, thích gì nói đó và yêu cầu những cửa hàng in vào, có cả những dòng chữ “Tôi yêu Môi trường”, “Hãy vì thành phố xanh sạch đẹp”…khiến mọi người ủng hộ, hoan nghênh vì nghĩ rằng từ những slogan này đem đến những thông điệp ý nghĩa dành cho bạn trẻ thì giờ đây, thay vào đó là các bạn cắt xén những câu ca dao tục ngữ, biến những câu danh ngôn trở nên méo mó để in lên.
Những kiểu áo và dòng chữ "chế biến" đang được nhiều bạn trẻ ưa thích
“Lúc đầu mình mới nhìn áo của hai cô nàng mình cứ nghĩ đó là “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”, thế nhưng nhìn kỹ thì mới ngỡ ngàng khi lời Bác Hồ dạy đã được thay bằng “Không có việc gì khó - chỉ sợ mình không liều – Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”, Lan Anh, nữ SV trường ĐH Tài chính Marketing kể.
Lan Anh cho biết “Đây là hiện tượng rất đáng báo động của giới trẻ. Các bạn có thể thỏa sức sáng tạo, tuy nhiên làm biến dạng những câu nói nổi tiếng, những câu danh ngôn hay ca dao tục ngữ là điều không nên”.
Huy Tuấn, SV trường ĐH quốc tế RMIT thì không khỏi bất ngờ trước nhóm bạn cùng lớp thường đồng phục đến lớp với quần jean và áo thun in dòng chữ trước ngực: “Học, học nữa, học mãi. Đuối thì nghỉ”. “Chẳng hiểu các bạn ấy nghĩ gì nữa, một câu nói nổi tiếng của một vị lãnh tụ như Lê Nin lại trở thành như vậy”, Tuấn thở dài.
“Đúng là áo có chất lượng vải không tốt tí nào, nhưng chúng mình vẫn rất thích vì có in những câu nói độc đáo như vậy. Những câu “ca-rao” tục ngữ được “chế biến” như vậy nghe thật vui”, một nữ SV hí hửng khoe áo của mình với dòng chữ “Yêu anh mấy núi cũng trèo – Mấy sông cũng lội, thấy anh nghèo thì thôi”.
Theo SV này, hiện có rất nhiều bạn trẻ sử dụng những loại áo in ca dao tục ngữ bị biến dạng kiểu này. “Mình mặc, mấy bạn thấy hay hay thế là mua theo, ở lớp mình hiện nay nhiều bạn khoái những dòng chữ như thế này lắm”, nữ SV này cho biết thêm.
…Và trên mạng xã hội
Cộng đồng mạng chính là nơi tập trung nhiều nhất những câu nói dạng này. Thử truy cập trên hơn 500 trang Facebook khác nhau của các thành viên là những bạn trẻ, không khỏi bất ngờ khi hầu hết đều chế những câu tục ngữ, ca dao đăng tải trên trang cá nhân của mình. Có thể kể những câu đại loại như “Yêu em mấy núi cũng trèo – Khi em mang bụng mấy đèo anh cũng dông”, “Ta về ta tắm ao ta – Sảy chân chết đuối có người nhà vớt lên”, “Cá không ăn muối cá ươn – Không có xe xịn thôi đừng yêu em”…
Tại một trang cá nhân của một bạn trẻ tên N.T., câu status (tình trạng) “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Mai sau có lúc ra đường đập nhau” đã thu hút gần 100 bạn yêu thích và hơn 300 câu bình luận.
Những câu "ca- rao", tục ngữ được "chế biến" tràn lan và lưu truyền rộng rãi trên các diễn đàn mạng.
“Những câu ca dao được chế lại như thế này nghe ngồ ngộ rất hay, nhờ vậy mà lượt truy cập cũng như bạn bè vào “thăm” trang của mình càng nhiều”, chủ blog cá nhân này cho biết. Bạn cũng khoe còn rất nhiều câu ca dao, tục ngữ “độc” hơn nhiều, nào là “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Mai sau có lúc nấu chung một nồi”, “Môi hở…vì răng hô”, “Thuận vợ thuận chồng – Con đông mệt quá”, “Một tay làm chẳng nên non – Bốn đứa tụ lại nên sòng tiến lên”…
Theo tìm hiểu, đây cũng chính là “chiêu độc” để thu hút bạn bè trên mạng xã hội, không chỉ riêng N.T. mà rất đông bạn khác cũng áp dụng hiện nay, dựa trên những câu ca dao, tục ngữ có sẵn, chế tác lại và đăng lên mạng xã hội.
Hiện, chỉ cần tìm kiếm trên trang Google với từ khóa “ca dao tục ngữ chế”, “ca dao thời @”… là xuất hiện hàng trăm ngàn kết quả trên nhiều trang website, diễn đàn khác nhau. “Đây là kho tàng ca dao tục ngữ độc đáo, mình có thể lựa chọn để thay đổi tình trạng mạng xã hội hàng ngày”, Hải Hà, một SV trường ĐH Văn Lang cho biết.